Trong các khu vực địa lý, châu Phi là nơi có sự chênh lệch rõ rệt giữa số thí sinh tham dự Miss Universe và Miss World.
Điều này có thể dễ dàng kiểm chứng khi nhìn vào số lượng thí sinh dự thi của lục địa đen tại các kỳ thi cùng năm. Năm 2019, Miss Universe có 10 thí sinh từ châu Phi tham dự, trong khi Miss World 2019 thu hút 15 thí sinh. Năm 2016, Miss Universe có 8 thí sinh châu Phi tham dự trong khi con số của Miss World 2016 là 20 nước. Khi phân chia khu vực địa lý, nếu như Miss Universe phải ghép châu Phi với nhóm châu Á-Thái Bình Dương thì tại Miss World, châu Phi vẫn liên tục duy trì là một nhóm riêng.
Điều gì đã dẫn tới sự chênh lệch đáng kể và liên tục suốt nhiều năm giữa Miss Universe và Miss World tại khu vực châu Phi? Sau đây là một số lý giải để các fan sắc đẹp cùng bàn luận.
1. Chi phí nhượng quyền dự thi
Miss Universe hiện là cuộc thi có chi phí nhượng quyền (tức số tiền mà ban tổ chức một nước phải trả cho cuộc thi mẹ để gửi đại diện đi thi) cao nhất, theo một số nguồn là từ 10.000 đến 150.000 USD tùy theo thương hiệu quốc gia. Nước nào càng giàu, càng quan tâm nhiều tới các cuộc thi sắc đẹp thì ban tổ chức Miss Universe tính phí càng đắt. Ví dụ theo một bài báo, Albania - một nước nhỏ ít có thành tích tại châu Âu trả 10.000 USD nhưng Thái Lan trả tới 120.000 USD tiền bản quyền. Trong khi đó, số tiền dự thi Miss World với hầu hết các nước chỉ dao động quanh con số 10.000 USD.
Tuy nhiên lý giải này cũng không hoàn toàn thuyết phục vì với các nước châu Phi (đa phần là nước đang phát triển và mức độ quan tâm hoa hậu chưa quá cuồng nhiệt như Mỹ Latinh, Đông Nam Á), Miss Universe có lẽ cũng không tính tiền bản quyền quá đắt với các nước khu vực này. Vậy thì phải có nguyên nhân khác nữa.
2. Khả năng đoạt giải cao hơn ở Miss World
Trong thập niên 2010 vừa qua, châu Phi đã 3 lần đăng quang Miss Universe (Angola năm 2011, Nam Phi năm 2017 và 2019), còn khu vực này chỉ 1 lần đăng quang Miss World (Nam Phi năm 2014). Thoạt nhìn có vẻ châu Phi "dễ ăn" Miss Universe hơn.
Nhưng trên thực tế, con số trên chỉ phản ánh thành tích của Nam Phi, cường quốc sắc đẹp mạnh nhất châu lục hơn là thành tích chung của toàn khối. Với các nước châu Phi khác, xác suất có một thứ hạng tại Miss Universe khó khăn hơn rất nhiều.
Bây giờ, hãy rà soát lại một lượt các nước châu Phi đã từng lọt top tại cả 2 cuộc thi từ năm 2010 đến nay.
Trong thập niên 2010 tại Miss Universe, đã có vào 10 thí sinh vào top, trung bình 1 người/năm và 60% số lượt vào top đó thuộc về Nam Phi, 4 nước khác là Angola, Kenya, Ghana, Nigeria chia nhau mỗi nước 1 lượt.
1. Nam Phi 2010 - top 10
2. Angola 2011 - đăng quang Miss Universe
3. Nam Phi 2012 - top 10
4. Nam Phi 2015 - top 15
5. Kenya 2016 - top 6
6. Nam Phi 2017 - đăng quang Miss Universe
7. Ghana 2017 - top 16
8. Nam Phi 2018 - á hậu 1
9. Nam Phi 2019 - đăng quang Miss Universe
10. Nigeria 2019 - top 20
Trong khi đó tại Miss World, thập niên 2010 chứng kiến những lượt vào top sau của châu Phi ít nhất từ top 20 trở lên (tạm bỏ các vị trí của top 30, top 40 cho dễ so sánh với Miss Universe):
1. Botswana 2010 - á hậu 1
2. Nam Phi 2011 - top 7
3. Zimbabwe 2011 - top 15
4. Botswana 2011 - top 20
5. Nam Sudan 2012 - top 7
6. Kenya 2012 - top 15
7. Ghana 2013 - á hậu 2
8. Nam Phi 2014 - đăng quang Miss World
9. Kenya 2014 - top 11
10. Nam Phi 2015 - top 11
11. Nam Sudan 2015 - top 20
12. Kenya 2016 - top 5
13. Ghana 2016 - top 20
14. Kenya 2017 - top 5
15. Nam Phi 2017 - top 10
16. Nigeria 2017 - top 15
17. Uganda 2018 - top 5
18. Mauritius - top 12
19. Nigeria - top 5
20. Kenya - top 12
Dễ dàng nhận thấy với nhiều nước châu Phi, việc tham dự Miss World mang lại cơ hội có thành tích cao hơn hẳn. Và tại cuộc thi này, cơ hội của các nước châu Phi khá đồng đều chứ không chỉ tập trung quá nửa vào Nam Phi.
3. Ảnh hưởng xã hội mờ nhạt hơn Miss World
Bên cạnh yếu tố chi phí dự thi và khả năng đoạt giải, Miss Universe còn lép vế so với Miss World về tầm ảnh hưởng xã hội tại châu Phi. Trong nhiệm kỳ hoa hậu, các Miss World thường ghé thăm một vài nước châu Phi và tham gia các dự án thiện nguyện thiết thực, có ích cho cộng đồng. Ví dụ Miss World 2018 Vanessa Ponce trong nhiệm kỳ đã đến thăm Uganda, Ghana và Tanzania, còn Miss Universe 2018 Catriona Gray chỉ đến Nam Phi. Trong khi Miss Universe 2019 Zozibini Tunzi chỉ về thăm quê nhà Nam Phi, Miss World 2019 Toni-Ann Singh thậm chí còn sang Nam Phi trước để tham gia các hoạt động xã hội và còn đặt chân đến Mauritius, một đảo quốc thuộc châu Phi trước khi dịch covid bùng lên.
Một điểm đáng chú ý nữa là các hoạt động thiện nguyện của Miss World có tính liên tục và lâu dài. Nếu như thí sinh Miss Universe của khu vực châu Phi (và thế giới nói chung) mới chỉ dừng lại ở các dự án thiện nguyện gắn với cá nhân mỗi thí sinh để mang thông điệp truyền cảm hứng đi thi, thì hoạt động của Miss World lại liên quan tới việc cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế tại mỗi quốc gia. Ví dụ, dự án của Miss World tại Ghana liên quan tới việc đào tạo nghề cho thanh niên, còn dự án tại Tanzania là sản xuất băng vệ sinh, một mặt hàng quan trọng cho sức khỏe phụ nữ nhưng lại thiếu thốn trầm trọng tại khu vực này. Những dự án có ích đó đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của chính phủ các nước châu Phi. Trái với phong trào tẩy chay các cuộc thi sắc đẹp ở châu Âu thì cho rằng các cuộc thi đó mua vui trên thân xác phụ nữ, "Miss World" đối với người dân châu Phi là hình ảnh của những dự án cộng đồng thiết thực, giúp thay đổi cuộc sống theo hướng tốt hơn.
Có thể thấy, sự thờ ơ của các Miss Universe (nhất là từ thời IMG) với khu vực châu Phi cũng như tầm ảnh hưởng xã hội ít hơn hẳn đã khiến Miss Universe chưa có đủ sức hút đối với khu vực rộng lớn và rất tiềm năng này.