Miss Universe 2015 là cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 64 trong lịch sử, đêm chung kết diễn ra vào ngày 20/12/2015. Có thể khẳng định đây là một trong những kỳ Miss Universe đáng nhớ nhất do những ồn ào xung quanh sự cố trao nhầm vương miện.
Giữa năm 2015, ông Donald Trump - chủ tịch cuộc thi Miss Universe ra tranh cử chức tổng thống Mỹ. Ông ta đã phát biểu gây xúc phạm rằng người nhập cư Mexico là những kẻ buôn ma túy và hiếp dâm. Khi Miss Universe 2014 Paulina Vega người Colombia lên tiếng bảo vệ cộng đồng người gốc Latinh và chỉ trích ông Trump, cô đã bị ông chủ gọi là kẻ “đạo đức giả”.
Hậu quả là đài NBC của Mỹ và đài Univision (kênh phát sóng tiếng Tây Ban Nha của Miss Universe) quyết định “cắt sóng” cả 2 cuộc thi Miss USA và Miss Universe. Thành phố Bogota, thủ đô Colombia tuyên bố bỏ đăng cai Miss Universe. Đồng thời, một loạt nước Mỹ Latinh như Mexico, Guatemala, Nicaragua, Costa Rica, Panama và Cộng hòa Dominica tuyên bố không gửi thí sinh dự thi để bày tỏ tình đoàn kết với người Mexico. Farouk Systems, nhà tài trợ các sản phẩm về tóc cũng chấm dứt hợp tác. Đây được coi là cuộc cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có trong lịch sử cuộc thi sắc đẹp này.
Tháng 9 năm 2015, Donald Trump bán cuộc thi Miss Universe (cùng cuộc thi Miss USA, Miss Teen USA) cho WME/IMG. Các nước Mỹ Latinh chấp nhận quay lại cuộc thi.
Năm 2015, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được tổ chức lại sau 7 năm kể từ lần đầu diễn ra. Những năm 2010-2014, Việt Nam thường chọn người dự thi từ cuộc thi cấp quốc gia khác hoặc bỏ ghế trống. Do vậy, việc người đăng quang HHHVVN 2015 tham dự Miss Universe 2015 tại Mỹ khiến nhiều fan sắc đẹp Việt Nam rất hào hứng và dành nhiều sự quan tâm tới cuộc thi.
Tại Philippines, chiếc vé dự thi Miss Universe thuộc về người đẹp Pia Wurtbach. Cô gái này đã 2 lần dự thi Binibining Pilipinas trước đó và chỉ giành vị trí á hậu 1 (2013) và top 15 (2014). Mãi tới lần thử sức thứ 3, cô gái lai Đức mới trở thành đại diện của đất nước mình tại sân chơi sắc đẹp hấp dẫn nhất hành tinh.
Tại Ấn Độ, Urvashi Rautela là cái tên gây sốt khi giành chiến thắng danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Ấn Độ lần thứ 2! Năm 2012, Urvashi đăng quang cuộc thi I Am She–Miss Universe India nhưng vì mới 17 tuổi, cô phải nhường quyền dự thi Miss Universe cho á hậu 1. Năm 2015, cô thi lại Miss Diva, cuộc thi nắm bản quyền dự thi Hoa hậu Hoàn vũ từ năm 2013 và lại một lần nữa giành chiến thắng. Trước khi đăng quang lần đầu năm 2012, cô đã là một người mẫu, diễn viên nổi tiếng tại quê nhà.
Trong khi đó tại Nhật Bản, lần đầu tiên trong lịch sử một cô gái lai da đen đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản. Chiến thắng của Ariana Miyamoto đã khơi dậy những tranh luận về tình trạng kỳ thị chủng tộc trong xã hội Nhật Bản. Một bộ phận dân Nhật cho rằng cô gái lai này không xứng đáng làm đại diện cho vẻ đẹp của người Nhật. Tân hoa hậu Ariana chia sẻ động lực khiến cô đi thi là vì một người bạn của cô, cũng là con lai, đã tìm đến cái chết do bị bắt nạt.
Đại diện của nước Pháp tại Miss Universe 2015 là người đẹp Flora Coquerel. Cô là Hoa hậu Pháp 2014 và mang vẻ đẹp lai Âu-Phi (mẹ cô là người Benin, một nước Tây Phi). Flora từng dự thi Miss World 2014 nhưng không lọt nổi vào top 25 (năm đó đại diện của Việt Nam là Nguyễn Thị Loan - lọt top 25). Một trong những lý do cho thành tích đáng thất vọng này là việc Flora bỏ mất một vài phần thi phụ tích điểm của Miss World vì cô còn phải đồng hành với cuộc thi Hoa hậu Pháp 2015, tổ chức gần trùng thời điểm Miss World 2014 (tháng 12/2014).
Một cựu thí sinh Miss World nữa góp mặt tại Miss Universe 2015 là người đẹp nước chủ nhà Mỹ - Olivia Jordan. Olivia từng dự thi Miss California USA 2013 nhưng dừng lại ở vị trí á hậu 1 cấp bang. Cô được một đơn vị bản quyền chọn đi thi Miss World 2013 ở Indonesia và lọt vào top 20 năm đó. Năm 2015, Olivia Jordan về bang nhà Oklahoma dự thi rồi đăng quang, sau đó chiến thắng tại Miss USA.
Một sự cố đáng tiếc xảy ra trong quá trình diễn ra cuộc thi. Hoa hậu của Slovenia - một nước châu Âu đã bị ngã trong nhà tắm. Cô gái bị liệt một bên mặt và buộc phải dừng cuộc thi. Tuy nhiên, ban tổ chức đã có một động thái rất nhân văn là mời cô gái ở lại đồng hành với cuộc thi và trong đêm chung kết, cô gái đã được đeo dải băng Slovenia xuất hiện trên sân khấu và được đương kim hoa hậu Paulina Vega tặng hoa.
Phần thi trang phục dân tộc là một phần không thể thiếu của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Giải trang phục dân tộc đẹp nhất năm đó thuộc về người đẹp Thái Lan với bộ đồ lấy ý tưởng từ xe tuk tuk, một phương tiện giao thông đặc trưng trên đường phố nước này.
Trước đêm chung kết, Global Beauties dự đoán vương miện sẽ thuộc về chủ nhà Mỹ, á hậu 1 là Việt Nam, á hậu 2 là Colombia còn top 5 có sự góp mặt của đại diện Pháp và Brazil.
Trong khi đó, Missosology đánh giá cao nhất người đẹp của Cộng hòa Dominica - Clarissa Molina, cùng 4 thí sinh sáng giá khác đến từ Philippines, Mỹ, Colombia và Việt Nam. Như vậy, cả hai chuyên trang sắc đẹp lớn đều cho rằng Mỹ, Colombia và Việt Nam sẽ cùng nhau xuất hiện trong vòng ứng xử.
Mở đầu đêm chung kết, top 15 thí sinh được MC Steve Harvey công bố. Khu vực châu Mỹ có tới 7 thí sinh lọt top, gồm chủ nhà Mỹ, Mexico, Cộng hòa Dominica, Curacao, Brazil, Venezuela và Colombia. Châu Á góp mặt 4 đại diện là các hoa hậu Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Pháp và Bỉ đại diện cho châu Âu trong top 15. Châu Phi và châu Úc mỗi khu vực có 1 cô gái vào top (Nam Phi và Australia).
Đáng lưu ý, lần gần nhất trước đó Curacao lọt top ở Miss Universe là năm 1997. Thái Lan cũng chấm dứt chuỗi nhiều năm trắng tay kể từ năm 2008, đồng thời mở ra một thời kỳ liên tiếp vào top từ đó đến nay.
Khi kết quả top 15 được công bố, một số khán giả đã sốc khi đại diện của Việt Nam bị loại, bất chấp việc được hai chuyên trang sắc đẹp lớn đánh giá rất cao. Những người đẹp dừng chân khá tiếc nuối khác là Ấn Độ và Paraguay.
Các người đẹp bước vào vòng thi áo tắm. Khác với các năm trước, các thí sinh năm nay không trình diễn một mẫu áo tắm duy nhất mà được lựa chọn trong các bộ sưu tập áo tắm khác nhau của nhà tài trợ. Phần thi áo tắm diễn ra trên nền nhạc ba ca khúc "Marvin Gaye", "One Call Away" và "Some Type of Love" của ca sĩ nổi tiếng Charlie Puth. Ảnh: thí sinh Philippines trình diễn trang phục áo tắm.
Sau phần thi áo tắm, top 10 cô gái có điểm số cao nhất từ ban giám khảo được gọi tên. 5 người đẹp phải dừng bước là Bỉ, Brazil, Indonesia, Mexico và Nam Phi. Ảnh: người đẹp Pháp được gọi tên vào top 10
Các thí sinh trình diễn trang phục dạ hội kết hợp cùng phần hát live của nhóm nhạc The Band Perry. Ảnh: người đẹp Colombia trong phần thi dạ hội.
Top 5 cô gái xuất sắc nhất bước vào vòng thi ứng xử là Mỹ, Colombia, Philippines, Pháp và Úc. Ở vòng thi này, các người đẹp bị hỏi “xoáy” về những vấn đề cấp bách đang xảy ra tại đất nước của chính họ. Hoa hậu Mỹ bị hỏi về nạn xả súng khiến nhiều người thiệt mạng. Hoa hậu Colombia trả lời câu hỏi về nạn nghiện ma túy. Hoa hậu Philippines trả lời câu hỏi về việc Mỹ mở lại căn cứ quân sự ở Philippines. Câu hỏi của hoa hậu Pháp là về tình trạng khủng bố. (Trước cuộc thi chỉ 1 tháng, thủ đô Paris rung chuyển vì những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu của Hồi giáo cực đoan khiến 130 người thiệt mạng.) Hoa hậu Úc nhận câu hỏi về hợp pháp hóa cần sa.
Ba cô gái đi tiếp vào vòng ứng xử cuối cùng là các người đẹp Mỹ, Colombia và Philippines. Ba cô gái cùng trả lời chung một câu hỏi: “Tại sao bạn xứng đáng trở thành Miss Universe tiếp theo?”
Sau phần thi ứng xử, các cô gái trình diễn “Final Walk” với ca sĩ Seal. Ảnh: hoa hậu Philippines trong phần Final Walk
Kết quả cuộc thi được công bố: dừng lại ở vị trí á hậu 2 là người đẹp nước chủ nhà Mỹ - Olivia Jordan. Người đẹp để lộ một chút thất vọng, nhưng nhanh chóng trấn tĩnh lại bước lên nhận hoa.
Giờ phút quyết định đã đến. Liệu Colombia sẽ lặp lại thành tích back-to-back (đăng quang 2 năm liên tiếp) như Venezuela hồi 2008-2009. Hay vương miện sẽ thuộc về Philippines sau hơn 40 năm chờ đợi?
Steve Harvey xướng tên tân hoa hậu là người đẹp Colombia - Ariadna Gutiérrez. Paulina Vega - Miss Universe 2014 ôm chầm lấy người đồng hương và trao vương miện cho cô. Đất nước Colombia như nổ tung vì vui sướng, họ đã chiến thắng Miss Universe 2 năm liền!
Đột nhiên MC Steve Harvey bước lên sân khấu và nói ông đã đọc nhầm kết quả. Tân hoa hậu thực ra là Pia Wurtzbach đến từ Philippines, còn người đẹp Colombia chỉ là á hậu 1.
Sự cố này đã gây tranh cãi lớn. Trong khi fan Colombia thất vọng vì mừng hụt, fan Philippines ăn mừng vui sướng. Tin tức về trao nhầm vương miện lan nhanh trên các phương tiện truyền thông, kể cả những báo đài vốn trước nay ít đưa tin về hoa hậu. MC Steve Harvey sau đó giải thích ông đã tưởng nhầm chữ “1st” trong cụm từ “1st runner-up” (á hậu 1) cạnh tên Colombia có nghĩa là Colombia đứng hạng nhất. Tuy nhiên lời giải thích này không khiến một bộ phận fan cảm thấy thuyết phục. Có người còn đặt ra giả thuyết đây thực ra là một chiêu trò để câu view của chủ mới của Miss Universe.
“Hoa hậu hụt” người Colombia được các bạn thí sinh cùng thi an ủi.
Sau cuộc thi, Pia Wurtzbach có một nhiệm kỳ sôi động với nhiều hoạt động tại các nước Canada, Peru, Ecuador, Indonesia, quần đảo Cayman, Thái Lan, Panama, UAE, Singapore, bên cạnh các hoạt động chính tại Mỹ. Cô cũng trở về Philippines trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân quê nhà. Pia cũng có may mắn được trao vương miện Miss Universe 2016 khi cuộc thi tổ chức tại chính đất nước của cô.
Sau nhiệm kỳ, Pia vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Cô tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT, bình đẳng giới. Á hậu Ariadna Gutiérrez cũng gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp.
No comments:
Post a Comment