Câu trả lời ngắn: mình không biết, cũng chẳng cách nào biết được.
Câu trả lời dài: rất khó xác định được Duyên lọt top nhờ vote hay không. Để mình giải thích chi tiết. Trong các kỳ Miss Universe từ 2011 đến nay, có 5 lần ban tổ chức cho khán giả vote 1 thí sinh vào top chung kết. Đó là 2011 (Bồ Đào Nha), 2013 (Philippines), 2016 (Thái Lan), 2020 và 2021 (Việt Nam).
Theo thể lệ công bố top, dù những thí sinh này có vào bằng điểm giám khảo thì ban tổ chức vẫn sẽ công bố ai là người giành nhiều vote nhất để thể hiện sự trân trọng với nỗ lực của fan sắc đẹp nước đó. Ví dụ năm 2016, ad tin nếu ban tổ chức đổi thể lệ chỉ chấm top 13 dựa trên điểm, không tính vote thì Chalita Suansane (Thái Lan) vẫn sẽ vào top 6. Việc công bố Chalita lọt top nhờ vé vote là không đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn Thái Lan chỉ vào top nhờ vote năm đó.
Do vậy với Kim Duyên, có 2 khả năng. Khả năng 1: điểm của Duyên không đủ vào top 16, cô được khán giả đưa vào top 16 nhờ vote và MC công bố cô được bình chọn vào top. Khả năng 2: điểm của Duyên đủ vào top 16 (ví dụ hạng 12 hoặc hạng 16) và đồng thời có vé vote, ban tổ chức vẫn công bố cô vào nhờ bình chọn của fan.
Cả hai khả năng này đều có thể xảy ra. Do vậy việc fan cứ tranh cãi về việc Duyên lọt top nhờ vote hay không trên thực tế là dựa trên những dữ kiện không đầy đủ, trừ khi chúng ta có thể trói dì Paula Shugart lại và ép bà nộp bảng điểm gốc ra. Nó tốn thời gian mà không thực sự khẳng định điều gì. Ai từng làm bài tập đọc IELTS thì nó giống như việc gặp phải câu ‘NOT GIVEN’ vậy, việc cố tìm câu trả lời ‘Duyên lọt top nhờ vote?’ giống như việc cố ép câu ‘NOT GIVEN’ đó thành ‘TRUE’ hay ‘FALSE’.
Trường hợp công bố vote của Miss Universe khá khác với giải ‘Most Popular Vote’ tại Miss Grand International hay vé bình chọn khán giả ở Miss World một số năm. Do format đặc biệt của MGI (gọi thẳng giải vote vào hẳn top 10, vượt qua cả top 20) nên có thể dễ dàng kết luận thí sinh đó lọt top nhờ vote hay không. Ví dụ năm 2019, Kiều Loan thực sự đã bị loại khỏi top 20 khi danh sách 20 người đẹp thi áo tắm chung kết không có tên Việt Nam, nhưng sau đó vote đưa cô gái vào top 10. Năm 2017, thí sinh Indonesia vào top 10 nhờ vote, nhưng trước đó top 20 cô gái này đã được gọi tên và xuất hiện trong phần thi áo tắm. Năm 2013, Miss World còn chơi lớn hơn nữa khi thí sinh Gibraltar được gọi tên hẳn vào… top 6, dù trước đó cô gái này bị loại ngoài top 20. Trong khi đó, Miss Universe gọi tên thí sinh vote đồng thời với danh sách top 13/16/21, nên không thể kết luận rõ ràng.
Câu hỏi 2: Có nên phân biệt giữa việc lọt top nhờ thực lực hay vote?
Câu trả lời này phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của từng fan sắc đẹp, mình nghĩ là không nên miễn cưỡng ép buộc, nhưng ít nhất hãy dành sự tôn trọng tối thiểu cho các đại diện Việt Nam thi quốc tế.
Với trường hợp của vé vote của Miss Universe từ 2011 đến nay, việc không rõ thứ hạng chỉ nhờ điểm giám khảo của các người đẹp vote, như đã nói ở trên, khiến việc tranh cãi trở nên mất thời gian, khoét sâu sự chia rẽ giữa các nhóm fan sắc đẹp trong nước.
Với quan điểm cá nhân của mình, mình có quan tâm, nhưng không đặt nặng chuyện phân biệt vote hay không vote. Điều mình quan tâm hơn là mình có thích thí sinh đó hay không. Ví dụ với Kim Duyên, dù trượt hay vào top, vào nhờ vote hay không nhờ vote thì mình vẫn quý cô gái này vì dù còn nhiều khuyết điểm, Duyên cũng đã cho thấy sự cố gắng trong khả năng của chính cô. Có thể sự cố gắng đó là chưa đủ với kỳ vọng của nhiều fan, nhưng cũng vẫn là cố gắng.
Thêm nữa, nếu fan sắc đẹp chỉ ủng hộ những người đẹp lọt top nhờ điểm, chê bai những người lọt top nhờ vote thì mình thấy nó chỉ càng tăng áp lực lên các đại diện đi thi quốc tế. Cá nhân mình nghĩ rằng một thí sinh đã mang sash Việt Nam thì nên được nhận sự ủng hộ tối thiểu, còn nếu không ủng hộ thì hãy đơn giản là mặc kệ cô ta.
Cá nhân mình nói thẳng cũng không thích một số đại diện Việt Nam thi quốc tế, nhưng với vai trò là ad của một blog be bé hay viết về hoa hậu, mình cố gắng hạn chế tối đa những bình luận tiêu cực, vì thấy nó không mang đến cái gì tốt cho mình hay cho ai khác, mà còn vô tình làm mọi người tốn thời gian vào những điều tiêu cực như cãi nhau trên mạng xã hội.
No comments:
Post a Comment